Bối cảnh lịch sử Trận_Mohi

Các cuộc xâm lược trước đó của Mông Cổ

Xâm lược Đông Âu và sự thành lập Hãn quốc

Năm 1223, Đế quốc Mông Cổ đánh bại người Cuman - một đồng minh của người Nga trong Trận Kalka. Thắng lợi này giúp quân Mông Cổ trở thành một mối đe dọa đối với các quốc gia ở châu Âu.[12] Năm 1236, dưới sự lãnh đạo của khả hãn Bạt Đô, quân Mông Cổ vượt sông Volga, chinh phục Volga Bulgaria và các dân tộc khác như người Kypchaks, người Alani. Các công quốc của vùng Đông SlavRyazanVladimir cũng lần lượt bị chinh phục một năm sau đó.[13]

Quân Mông Cổ sau đó đã tỏa ra khắp nơi chinh phạt châu Âu. Trên đường chinh phạt, quân Mông Cổ đã tàn sát và phá hủy vô số các quốc gia, ngoại trừ Smolensk (vì đã chấp nhận quy phục).[13] Mùa hè năm 1238, Crimea và vùng đất phía nam Ukraine lần lượt rơi vào tay quân Mông Cổ. Tháng 12 cùng năm, đến lượt Rus Kiev thất bại trước quân Mông Cổ.[13] Tên gọi Hãn quốc Kim Trướng được đặt cho các quốc gia bị xâm chiếm trong giai đoạn này, trong đó có các công quốc của Nga và vùng Đông Slav.

Xâm lược Ba Lan và kế hoạch đánh chiếm Hungary

Lúc này, quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Bạt Đô, nhưng trên thực tế là Tốc Bất Đài, đã chia làm ba đạo quân tỏa đi ba hướng khác nhau. Đạo quân chủ lực dưới sự chỉ huy của Tốc Bất Đài, thẳng tiến Hungary. Đạo quân thứ hai do Hợp Đan dẫn đầu, đánh chiếm Lithuania, làm bàn đạp tấn công Ba Lan, chặn sự tiếp viện của quân Ba Lan cho quân Hungary. Trong khi hướng thứ ba do Quý Do chỉ huy, đánh xuống phía nam.

Khi lực lượng quân Hợp Đan (con trai thứ hai của Oa Khoát Đài) chiến thắng trong trận Legnica (tiêu diệt liên quân châu Âu và quân Ba Lan) và quân Quý Do (con trai cả của Oa Khoát Đài) chiến thắng ở vùng Transylvania (Romania ngày nay), việc duy nhất của Tốc Bất Đài là đợi họ có mặt ở đồng bằng Hungary.[14]

Hungary trước hiểm họa xâm lăng

Người Hungary lần đầu ý thức được mối đe dọa từ Mông Cổ vào năm 1229 sau khi Andrew II ban quyền tị nạn cho các binh lính người Nga đang chạy trốn. Những tin tức khác truyền đến vào năm 1237 khi Julianus, một tu sĩ lãnh đạo những người Magyar sống du mục dọc theo khu vực thượng lưu sông Volga đến Hungary, bị quân Mông Cổ bắt giữ và gửi về Hungary kèm một lá thư từ Bạt Đô. Trong bức thư, Bạt Đô đã ra lệnh cho nhà vua Hungary hoặc đầu hàng, hoặc vương quốc sẽ bị tiêu diệt và phá hủy nhưng ông không nhận được hồi đáp.[15]

Ta, Bạt Đô, sứ giả của Đại hãn. Nhân danh Vua của chốn Thiên đàng, người được trao quyền lực và trọng trách thống lĩnh đội quân chinh phạt và tiêu diệt những kẻ dám chống đối:... Ta biết Ngài là một vị vua giàu có và hết mực cao quý, rằng bên cạnh Ngài có rất nhiều binh sĩ phục tùng, rằng Ngài đứng một mình ở vị trí độc tôn trong một vương quốc vĩ đại, và ta cho rằng sẽ rất khó khăn khi buộc Ngài phải tôn thờ một vương quốc nào khác. Nhưng Ngài nên biết, sẽ tốt hơn và hạnh phúc hơn cho vương quốc của Ngài nếu Ngài tự nguyện phục tùng ta.[16]
— Bạt Đô (thư gửi Bela IV)

Trong khi đó, sau thất bại trước quân Mông Cổ trong trận Kalka, những người Cuman còn sống sót chạy đến Hungary và được Bela IV cho phép tị nạn, nhưng với điều kiện họ phải chấp nhận gọi Bela IV là vua. Người Mông Cổ lấy cớ này để tấn công Hungary, cho rằng Vương quốc Hungary đã chứa chấp kẻ thù của quân Mông Cổ. Cuối năm 1240, Bạt Đô gửi một tối hậu thư khác đến Bela IV buộc ông ngừng chứa chấp những người tị nạn Cuman. Bela IV đã từ chối tối hậu thư và hiệu triệu khắp vương quốc hình ảnh của thanh kiếm đẫm máu, là biểu tượng của tình trạng đất nước lâm nguy, tập hợp các quý tộc cùng chư hầu đứng lên để bảo vệ vương quốc.[17]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Mohi http://www.allempires.com/article/index.php?q=batt... http://www.allempires.com/article/index.php?q=batt... http://www.hungarianhistory.com/lib/thou/thou03.ht... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/vi-tuong-ki-ta... https://www.britannica.com/event/Battle-of-Mohi https://www.learning-history.com/medieval-wars-bat... https://weaponsandwarfare.com/2017/06/14/battle-of... https://boon.hu/helyi-kozelet/muhi-csata-emlekpark... https://www.origo.hu/tudomany/20190411-muhi-batu-k...